Triết lý này dựa vào sự phát triển tự nhiên của vạn vật. Một năm có 4 mùa, 8 tiết khí, các loài động thực vật cũng nương theo quy luật của đất trời mà sinh trưởng, bảo tồn. Xuân sinh , hạ trưởng, thu thu, đông tàng ( mùa xuân sinh sôi, hạ trưởng thành, thu thu liễm, đông tàng giữ). Người xưa đã đúc kết những kinh nghiệm từ ăn, uống, mặc, ở, ngủ nghỉ, đi lại, phòng dịch bệnh…theo mùa trong năm. Điều tiết sinh hoạt theo môi trường từng mùa, giúp cơ thể thích ứng với các thay đổi và còn nâng cao được thể trạng.
Mùa Hạ dưỡng Dương không phải là nạp thêm Dương vào bằng cách ăn đồ nóng hay uống thuốc bổ dương. Mà phải như cây cỏ, mùa hạ dưỡng Dương tức là đem Dương khí phát tiết ra ngoài như cây cối sinh trưởng mạnh mẽ. Dương khí được phát tiết ra thông qua lao động, làm việc, tập thể dục hợp lý để tiết mồ hôi, thải độc cơ thể, khí cơ hóa điều hòa… Đồng thời, mùa hạ cũng là lúc con người cần tích cực tiếp xúc với Dương khí thông qua MẶT TRỜI bằng cách TẮM NẮNG. Tắm nắng đúng cách giúp cơ thể được hấp thu năng lượng từ mặt trời để thông kinh lạc, điều hòa khí huyết.
Ngày nay, mùa hè đa số mọi người ở phòng điều hoà máy lạnh, hoạt động bơi lội nhiều hơn chạy nhảy nên Dương khí không phát ra được, tuyến mồ hôi ít được thải độc… làm sinh UẤT NHIỆT, kết nhiệt bên trong, sinh ra nhiều bệnh viêm nhiễm, phát ngứa… nặng lâu ngày thậm chí tích thành các khối u… Đơn giản như bệnh nhiệt miệng mọi người hay gặp vào mùa hè. Thì theo quan điểm của Đông y, đó là do dòng NHIỆT trong người bạn không luân chuyển được tuần hoàn, bị tắc nghẽn lại mà lí do tắc đa phần do HÀN xâm nhập (ví dụ ngồi điều hòa máy lạnh) hoặc do NHIỆT không có lối thoát ra (Không vận động, tắm nắng…) nên bị UẤT NHIỆT, nhiệt sẽ bị dồn nén và bùng phát lên ở những địa điểm yếu như miệng, lợi… gây hiện tượng nhiệt miệng như ta vẫn thấy. Việc xa rời các nguyên tắc dưỡng sinh căn bản, xa rời tự nhiên đó chính là nguyên nhân mà ngày càng sinh ra nhiều bệnh lý khó chẩn đoán khó chữa …
Mùa hạ nóng nực tuy phải dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử nhưng vẫn cần lấy ôn ấm làm chính để trợ giúp khí dương. Bởi vì, các nhà dưỡng sinh Đông y cho rằng mùa hạ tuy dương khí vượng thịnh bên ngoài nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, vậy nên “trời tuy nóng chớ tham mát, dưa tuy ngon chớ ăn nhiều”. Nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ thì mùa đông sẽ mắc nhiều bệnh tật, phải biết thuận ứng thiên thời để bồi bổ dương khí, trừ khử âm hàn có như vậy mới gọi là phòng bệnh triệt để. Như vậy trong những ngày quá nắng nóng hoặc làm việc nặng mất nước, mất mồ hôi nhiều, chúng ta cũng cần phải bù nước điện giải bằng cách ăn các trái cây mát giải “thử” (nắng) như dưa hấu, bí xanh… Dĩ nhiên, đây là các đồ mát nên không nên ăn nhiều để đề phòng UẤT NHIỆT. Đồng thời, có thể ăn cùng với cả các loại trái cây có tính ấm nóng như mít, sầu riêng, vải, xoài… để bù đắp lại dương khí, cân bằng lại hàn khí.
Các quan niệm của cổ nhân như “đông bệnh hạ trị” (bệnh mùa đông trị vào mùa hạ), “bổ tại tam phục” (một số bệnh âm thịnh dương hư và bệnh mạn tính thường phát vào mùa đông có thể sẽ giải quyết tốt nếu biết bồi bổ vào thời kỳ “tam phục”). Tam phục là cách gọi chung của sơ phục, trung phục và mạt phục, chỉ thời kỳ nóng nhất trong năm: sơ phục, 10 ngày tính từ ngày canh thứ ba sau Hạ chí; trung phục, 20 ngày tính từ ngày canh thứ tư sau Hạ chí; mạt phục, 10 ngày tính từ ngày canh thứ nhất sau Lập thu. Bởi vậy, trong mùa hạ việc chọn dùng một số đồ ăn thức uống có tính ôn bổ cũng là rất cần thiết, đặc biệt đối với những người có bệnh mạn tính và thể chất vốn suy nhược do dương khí kém.
Để bảo vệ nguyên khí cổ nhân khuyên “bảy mươi hai ngày mùa hạ nên bớt vị đắng, tăng vị cay để dưỡng phế khí (Thiên kim yếu phương). Bởi vì căn cứ vào quy luật ngũ hành, Tâm thuộc hỏa, Phế thuộc kim, hỏa khắc kim, Tâm hỏa quá thịnh sẽ khắc phạt Phế kim, vị đắng vào Tâm, vị cay vào Phế, nếu ăn thêm một ít vị cay thì Phế khí sẽ được trợ dưỡng, nếu ăn bớt vị đắng thì Tâm hỏa sẽ không quá vượng thịnh mà hại Phế khí. Tôn Tư Mạo, danh y đời Đường (Trung Quốc) đã viết: “Nghi tỉnh khổ tăng tân, dĩ dưỡng phế khí” (nên giảm đắng tăng cay để dưỡng phế khí).
Biết được lúc nào nên ăn gì, ăn gì nhiều ăn gì ít cũng là cách để nâng cao đề kháng, tăng cường sức khỏe cho chính mình rồi vậy. Để được tư vấn cụ thể về dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe theo đông y, các bạn hãy đến phòng khám YHCT Á Đông, các bác sĩ chuyên khoa YHCT sẽ giúp bạn .