GƯƠNG TRỊ LIỆU: PHƯƠNG PHÁP MỚI VÀ HIỆU QUẢ TRONG PHỤC HỔI CHỨC NĂNG VẬN ĐỘNG BÀN TAY CHO BỆNH NHÂN SAU ĐỘT QUỴ

 

 

      Bệnh nhân bị đột quỵ thường để lại nhiều di chứng nặng nề trong đó di chứng làm giảm và mất vận động của chi trên, đặc biệt là bàn tay chiếm tỉ lệ lớn. Theo nghiên cứu của Desrosiers (2006) các di chứng ở chi trên và bàn tay chiếm 69% . Chính vì vậy, cải thiện chức năng vận động của chi trên và bàn tay là mục tiêu hàng đầu trong phục hồi chức năng sau đột quỵ.  Mức độ khéo léo của bàn tay đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cơ và sự phối hợp của các khớp bàn ngón tay. Do đó, sự phục hồi về mức độ khéo léo của bàn tay bao giờ cũng diễn ra muộn hơn so với mức độ vận động thô của bàn tay. Khi chức năng vận động của bàn tay không thực hiện được thì không thể thực hiện được các động tác khéo léo của bàn tay, không thể độc lập trong các sinh hoạt hàng ngày của bản thân…

          Phương pháp gương trị liệu là một phương pháp mới áp dụng trong phục hồi chức năng vận động bàn tay cho bệnh nhân sau đột quỵ.

          Phương pháp gương trị liệu:

Chuẩn bị: Hộp gương có kích thước 40 x 40cm,  1 quả bóng mềm.

Thời gian can thiệp: trong 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần, trong 1- 3 tháng.

Cách thức can thiệp: người điều trị hướng dẫn để tay lành của bệnh nhân sẽ được đặt đối diện với gương. Tay liệt đặt phía đằng sau gương. Trong suốt thời gian tập, bệnh nhân sẽ quan sát cử động của tay lành qua gương, luôn tưởng tượng tay cử động trong gương chính là tay liệt. Đồng thời, cố gắng cử động tay liệt theo tay lành mặc dù trên thực tế tay liệt chỉ cử động được rất ít.

Các bài tập cho bàn tay và cổ tay như sau: Thực hiện các cử động bình thường của bàn tay như gập duỗi, dang khép các ngón tay, đối chiếu ngón cái với các ngón tay khác. Các cử động cổ tay như gập duỗi, nghiêng trụ, nghiêng quay cổ tay. Tăng sức mạnh bàn tay như bóng cao su hoặc miếng mút.

          Phương pháp gương trị liệu là một phương pháp mới đã được áp dụng trên Thế giới và một số trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện tại Việt Nam đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện chức năng vận động bàn tay.

Phương pháp gương trị liệu có tác dụng làm phục hồi và tăng cường hoạt động của vỏ não chi phối vận động của bên liệt thông qua các hình ảnh vận động chức năng và kích thích sự hoạt động tế bào thần kinh gương soi giúp phục hồi vận động tay liệt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh phương pháp gương làm tăng hiệu quả của các phương pháp phục hồi khác.

Khi bệnh nhân tập luyện quan sát qua gương đã tạo ra các hình ảnh chức năng được ghi nhớ tại vỏ não vận động, tiền vận động, kích thích các tế bào thần kinh gương soi bắt chước lại các động tác đó để phục hồi mức độ khéo léo của tay liệt. Hơn nữa, việc luyện tập bằng gương rất đơn giản, dễ áp dụng nên sau thời gian điều trị tại viện bệnh nhân tiếp tục luyện tập tại nhà.

       Phòng khám Y Học Cổ Truyền Á Đông đã áp dụng phương pháp gương trị liệu kết hợp dông y trị liệu giúp phục hồi chức năng vận động bàn tay thành công cho nhiều bệnh nhân bị di chứng liệt nửa người sau đột quỵ giúp người bệnh độc lập trong các sinh hoạt hàng ngày hòa nhập trở lại cuộc sống.

(Nguồn tham khảo: Ts.Bs Nguyễn Thị Kim Liên – Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *