Di chứng sau đột quỵ não ngoài những hậu quả về vận động, thì một tỷ lệ khá lớn có kèm theo rối loạn về ngôn ngữ (chiếm khoảng 40% số trường hợp). Rối loạn ngôn ngữ do đột quỵ não thường được phân ra làm 4 thể dựa vào vị trí tổn thương của não:
1. Tổn thương vùng DIỄN ĐẠT ngôn ngữ (tổn thương vùng Broca): Người bệnh có biểu hiện không nói được hoặc nói được một vài từ, nói nhát gừng, không tìm được từ để nói, mức độ nhẹ thì nói được nhưng không lưu loát, lặp lại câu nói của người khác hoặc của mình vừa nói kém. Mặc dù bệnh nhân hiểu được những gì mình muốn nói, hiểu được những gì mọi người xung quanh nói với mình (còn gọi là tổn thương biểu đạt ngôn ngữ). Đây là loại tổn thương hay gặp nhất.
Bác sĩ Á Đông và người bệnh đang tập ngôn ngữ diễn đạt
2.Tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ (vùng Wernick): Người bệnh nói được, nói lưu loát nhưng câu nói thường vô nghĩa, lặp lại câu nói của người khác kém. Bệnh nhân không hiểu hoặc hiểu rất ít những gì người xung quanh nói với mình (còn gọi là tổn thương tiếp nhận ngôn ngữ).
Bệnh nhân không hiểu người xung quanh nói gì
3. Tổn thương vùng dẫn truyền: Là tổn thương đường dẫn truyền giữa 2 vùng trên. Biểu hiện nói lưu loát, thông hiểu tốt, lặp lại kém.
4.Tổn thương toàn thể: Là tổn thương toàn bộ các vùng trên với biểu hiện nói không lưu loát hoặc không nói được, hiểu biết kém, lập lại tiếng nói kém.
->>>Tập luyện: Nếu như tập luyện kiên trì, đúng cách thì bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục được và phục hồi tốt nhất trong thể tổn thương vùng sinh ra tiếng nói – Broca.
Tuy vùng não điều khiển ngôn ngữ bị tổn thương, nhưng tập luyện sẽ giúp tái tổ Chức lại não, phát huy tối đa khả năng bù trừ của các vùng khác cho vùng não đã bị tổn thương.
Bệnh nhân đột quỵ hoàn toàn có thể phục hồi được ngôn ngữ và khả năng giao tiếp sau khi xảy ra tai biến mạch não nếu luyện tập kiên trì với sự hỗ trợ tích cực của chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, người thân, bạn bè.